Nằm trên Quốc lộ 14 nối Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ và TP.Hồ Chí Minh; Có Quốc lộ 28 nối với Lâm Đồng và Bình Thuận, cửa khẩu quốc gia Buprăng và cửa khẩu Đắk Peur đi Mondulkiri (Campuchia)…tỉnh Đắk Nông được đánh giá là địa phương có vị trí khá thuận lợi để phát triển kinh tế trong tương lai.
Trong số những tiềm năng kinh tế dồi dào của Đắk Nông phải kể đến tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, trong đó đặc biệt là quặng bô-xít. Quặng bô-xít của Đắk Nông được phân bố ở thị xã Gia Nghĩa, các huyện Đắk G’Long, Đắk R’Lấp và Đắk Song, với trữ lượng dự đoán khoảng 5,4 tỉ tấn, trữ lượng thăm dò ước tính 2,6 tỉ tấn, hàm lượng bôxít nhôm đạt từ 35-40%.. Các khoáng sản quý hiếm khác cũng rất đa dạng, như ở khu vực xã Trường Xuân, huyện Đắk Song có nguồn tài nguyên vàng, đá quí ngọc bích, saphia trắng; trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa và huyện Chư Jút có volfram, thiếc, antimony; nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng như đất sét phân bố rải rác trên địa bàn một số huyện; sét cao lanh làm gốm sứ cao cấp phân bố ở huyện Đắk Glong, thị xã Gia Nghĩa; puzơlan làm nguyên liệu cho xi măng, gạch ceramic; đá bazan bọt làm nguyên liệu sản xuất gạch ốp lát cách âm, cách nhiệt, sợi chịu nhiệt….
Đối với tiềm năng du lịch, trên địa bàn tỉnh có nhiều thắng cảnh thiên nhiên như các thác nước hùng vĩ nằm giữa rừng già như thác Trinh Nữ, thác Đray H’Linh, Đray Sáp, thác Diệu Thanh, thác Gấu, thác Chuông, thác Ngầm (trong lòng núi), thác Liêng Nung, Đắk GLung… Các Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (25.000 ha), Tà Đùng (28.000 ha) và thảo nguyên nhỏ Trảng Ba Cây rộng trên 3 km2 phục vụ du lịch thể thao, cưỡi ngựa, sắn bắn, cắm trại… Đặc biệt, các buôn làng đồng bào dân tộc ít người với những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo như hội cồng chiêng, uống rượu cần, lễ hội đâm trâu… phục vụ du lịch văn hóa, nhân văn.
Tiềm năng du lịch trên là điều kiện để hình thành các cụm du lịch, tour du lịch của tỉnh Đắk Nông nếu được gắn kết được với các tuyến du lịch phía Nam của tỉnh Đắk Lắk, Bình Thuận, Lâm Đồng và TP.HCM sẽ tạo nên hành trình du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, Đắk Nông còn có một số sản phẩm nông, lâm nghiệp có lợi thế như bắp, cà phê, hạt điều, cao su, bông sợi, nguyên liệu giấy… để cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp.
Đầu tư phát triển công nghiệp gắn kết chặt chẽ với sản xuất và tiêu thụ, giữa nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu, giữa nhà máy với người nông dân, tạo thành khối liên minh công – nông vững chắc, nhằm cơ bản chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, từng bước hình thành các doanh nghiệp có cổ phần đóng góp của nông dân.